Sharing Plugin

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

CHỢ LỚN - VÙNG VĂN HOÁ ĐỘC ĐÁO

cho binh tay
Chợ Bình Tây
cho lon nhung nam dau the ky 20
Chợ Lớn những năm đầu thế kỷ 20

Chợ Lớn là một ngôi chợ xưa ở vùng đất Chợ Lớn - Sài Gòn khi bà con người Hoa tập trung về đây lập ra từ năm 1778. Sau nhiều đợt di dân của đồng bào người Hoa, Chợ Lớn tập trung phần lớn là người Hoa ở tỉnh Quảng Ðông và Triều Châu, cùng một số người Hoa ở Phúc Kiến, người Hẹ và Quảng Tây... Ngoài ra, còn một số bà con người Hoa khác đến từ Mỹ Tho Đại Phố (Tiền Giang) và Cù Lao Phố (Ðồng Nai).

Theo học giả Vương Hồng Sển, thì “Chợ Lớn như nay ta còn gọi, đối với Hoa kiều là Thầy Ngôồn (Đề Ngạn) hay Xi Cóon (Tây Cống); còn sách cũ Pháp viết là Cholon hay Cholen, Cho Leun”.

Chợ Lớn từ thế kỷ 18 là cả một khu vực rộng, với cảnh làm ăn, buôn bán nhộn nhịp tại các quận: 5, 6, 10 và một phần quận 11 (ngày nay). Trước đây, khi nhắc đến Chợ Lớn là người dân nghĩ ngay đến một Chợ Lớn - phố Tàu trong lòng TP Sài Gòn. Vì đây là nơi mua bán giá sỉ lớn nhất, cung cấp hàng hóa cả vùng Nam Bộ và là chợ có chủng loại hàng hóa nhiều nhất của vùng đất Chợ Lớn - Sài Gòn, nên Chợ Lớn đã trở thành một địa danh nổi tiếng không thể thiếu cho những ai đến đây mua sắm.

*Lịch sử Chợ Lớn:

Ngày 20-10-1879,Thống đốc Nam Kỳ LeMyre de Vilers ra Nghị định thành lập TP Chợ Lớn (Municipalité de Chợ Lớn). Ðây là thành phố cấp 2, ngang cấp tỉnh, cùng với các TP Ðà Nẵng và Phnôm Pênh lúc đó. Ðứng đầu thành phố là viên Ðốc lý Maire (người Pháp).
Địa giới Chợ Lớn nằm trong khu vực phía bắc giáp đại lộ Beylie (Ngô Quyền), phía Tây giáp đại lộ Charles Thompson (Hùng Vương), phía Nam là kinh Bao Ngạn (Đường Nguyễn Thị Nhỏ và Lò Siêu) phía đông là Kinh Tàu Hủ.
dia gioi cho lon
Địa giới Chợ Lớn 1879
TP Chợ Lớn khi ấy tách biệt với Sài Gòn và cách Sài Gòn 11 km, là vùng đất rộng kéo tới phía bắc tỉnh Long An bây giờ.

Ngày 13-12-1880, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định thành lập Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, đặt dưới sự cai trị của Giám đốc Nha vụ Chánh Khu Sài Gòn - Chợ Lớn gồm cả 2 thành phố và vùng phụ cận chung quanh.

Ðến ngày 12-1-1888, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn lại được tách ra như cũ.

Ngày 1-7-1882, thực dân Pháp cho xây dựng tuyến đường sắt từ Sài Gòn đi Mỹ Tho và bến Chợ Lớn, nên đây là sự kiện một lần nữa nối hai thành phố lại với nhau.

Còn về đường bộ, trong "Bến Nghé xưa", nhà văn Sơn Nam viết: "giữa Sài Gòn và Chợ Lớn lúc đó, phía đất thấp, chưa có dự kiến làm đường nối liền, còn ruộng lúa với ao cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn, đợi đến năm 1916 mới bắt đầu đắp đường, trải đá ong... đó là đường Galléni, nay là đường Trần Hưng Ðạo"
ban do xe lua noi saigon va cho lon

ban do xe lua noi saigon va cho lon
                                                                      Bản đồ dường rây xe lửa nối Saigon và Chợ Lớn 

Dân số của TP Chợ Lớn vào năm 1901, theo thống kê của người Pháp là hơn 63 nghìn người, 1920 là hơn 93 nghìn người. Thập niên 40, dân số Chợ Lớn được phát triển lên 200 nghìn người, đứng thứ nhì sau TP Sài Gòn (220 nghìn người) trong toàn xứ Ðông Dương. Ðến năm 1930, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn đã giáp nhau ở chỗ nay là đường Nguyễn Văn Cừ, giữa quận 1 và 5.

Sau này, trong thời kỳ thuộc Mỹ , năm 1956 thì bỏ tên gọi kép, chỉ gọi chung là Ðô Thành Sài Gòn.

*Chợ Lớn ngày nay:



doi song va van hoa nguoi hoa tai cho lon
Đời sống và văn hoá người Hoa tại Chợ Lớn
doi song va van hoa nguoi hoa tai cho lon


Và đến ngày nay, danh từ Chợ Lớn được dùng để chỉ vùng đất bao gồm quận 5, quận 6, quận 10 và một phần của quận 11. Trong đó quận 5 là khu vực sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Việt gốc Hoa tại thành phố. Các giá trị văn hoá, kiến trúc, tôn giáo của hàng trăm năm trước vẫn còn được bảo tồn, đặc biệt là nét văn hoá ẩm thực Trung Hoa hiện  diện trong các quán ăn, nhà hàng rất phong phú và hấp dẫn. Khi thành phố lên đèn, cũng là lúc các nhà hàng – khách sạn như: Đồng Khánh, Ngọc Lan Đình, Ái Huê, Á Đông…Ngoài vai trò là trung tâm thương mại, ăn uống, giải trí, Chợ Lớn còn có một khu phố Đông Y lý tưởng và những công trình kiến trúc Trung Hoa cổ kính đang chờ du khách khám phá.

Hiện tại, người Việt và Hoa đã cùng nhau xây dựng Chợ Lớn trở thành một trong những điểm tham quan du lịch và mua sắm nổi tiếng tại TP HCM. Ban ngày cũng như ban đêm: vẫn ồn ào náo nhiệt cảnh người mua kẻ bán, cảnh ăn uống,... Ðộc đáo còn ở chỗ, ngoài việc tham quan, mua sắm thì khách đến thăm Chợ Lớn còn được tận mắt chứng kiến cuộc sống sôi động mà bà con người Hoa, khi đến lập nghiệp đã bảo tồn các mặt văn hóa đời sống thường ngày trên mảnh đất này.


HỒNG MINH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | free samples without surveys